Wiki Băng Hỏa Trường Ca
Advertisement


Đế quốc Valyria là một vùng lãnh thổ rộng lớn trải dài hầu khắp lục địa Essos, nhưng hiện đã sụp đổ và biến mất trong một thảm họa diễn ra khoảng hơn 100 năm trước Cuộc chinh phạt của Aegon. Thảm họa này về sau được gọi với cái tên là Ngày Tàn Của Valyria.

Đọc thêm:

Cuộc chinh phạt của Aegon (phần 1)

Cuộc chinh phạt của Aegon (phần 2)

Vào thời kỳ đỉnh cao, Đế quốc Valyria bao trùm phần lớn lục địa Essos, kéo dài tới tận các Thành phố Tự Do cũng như đảo Dragonstone ngoài khơi Westeros. Mặc dù Valyria không thực sự được gọi là một đế chế, nhưng nó mang những đặc điểm nhất định và thường được nhắc đến là một đế quốc.

Đế quốc Valyria sở hữu nền văn minh rất tiên tiến cùng lực lượng quân sự và sức mạnh văn hóa áp đảo thế giới. Kinh đô của đế quốc là thành phố Valyria. Đế quốc được cai trị bởi các lãnh chúa đến từ các gia tộc quyền lực. Hùng mạnh nhất trong số đó là các Chúa rồng.

Lịch sử[]

Nguồn gốc[]

Theo một nguồn không thực sự chính thống, người Valyria cổ chỉ là một bộ tộc những người chăn cừu hiền hòa và nhỏ bé. Nhưng rồi họ đã tìm thấy những con rồng ở vùng Mười Bốn Ngọn Lửa - một vành đai núi lửa chạy dọc theo bán đảo Valyria. Các câu chuyện của Valyria kể rằng rồng vốn là sinh vật bản địa ở đây, nhưng các câu chuyện từ Asshai lại cho rằng loài vật này được đem từ Vùng Đất Bóng Tối đến. Người Valyria đã thuần hóa chúng bằng phép thuật. Theo như các câu chuyện thì họ được những người đến từ Vùng Đất Bóng Tối dạy phép thuật cho. Người Valyria sau đó đã thuần thục việc nuôi dạy và huấn luyện rồng để biến chúng thành vũ khí hủy diệt phục vụ cho chiến tranh.

Người Valyria bắt đầu mở rộng tầm ảnh hưởng, thiết lập đế quốc với thành phố Valyria là kinh đô. Ở nơi ấy, phép thuật phát triển rực rỡ, những ngọn tháp cao lớn mọc lên và vươn tới tận bầu trời nơi những con rồng bay lượn. Vô số bức tượng nhân sư với mắt làm bằng hồng ngọc được đúc nên, và các thợ rèn sử dụng bùa phép để tạo nên những thanh kiếm thép Valyria huyền thoại với sức mạnh và độ sắc bén đáng kinh ngạc.

Vươn tới quyền lực và sự sụp đổ của Ghis[]

Khoảng 5000 năm trước, vào thuở ban sơ của Valyria, Đế quốc Ghis Cổ là thế lực thống trị và điều khiển phần lớn lục địa Essos. Người Ghiscari đã cố gắng ngăn chặn sự bành trướng của Valyria, và việc này đã dẫn đến nhiều cuộc chiến lớn giữa đế quốc Valyria với đế quốc Ghis. Các quân đoàn của người Ghiscari đã tấn công Valyria năm lần, nhưng không thể đánh bại họ. Với sự giúp sức của những con rồng, Valyria mỗi lần đều giành được những chiến thắng lớn.

Trong cuộc chiến Ghiscari cuối cùng, người Valyria đã tiến thẳng đến kinh thành của họ là Ghis Cổ, thiêu rụi nó bằng lửa rồng, biến nơi đây thành một vùng đất đầy tàn tro, khói bụi và xương người chết. Đế quốc Ghis Cổ chính thức bị hủy diệt. Sau đó, Valyria đã học tập chế độ nô lệ của Ghis và áp đặt ảnh hưởng lên các thuộc địa của người Ghiscari tại Vịnh Nô Lệ và tiếp tục mở rộng lãnh thổ.

Bành trướng về phía tây[]

Đế quốc Valyria tiếp tục bành trướng và chinh phạt các vùng đất ở phía tây, bắt giữ vô số nô lệ và sử dụng họ để khai thác tài nguyên, của cải từ Mười Bốn Ngọn Lửa, cũng như xây dựng các thành phố và đại lộ dẫn về Valyria.

Trong nhiều năm, người Valyria giữ hòa bình với người Rhoynar ở phía tây bán đảo Valyria. Từ thuộc địa Volantis, người Valyria không tấn công người Rhoynar mà họ băng qua sông Rhoyne để tấn công người Andal ở Andalos. Không chấp nhận trở thành nô lệ, người Andal rời bỏ quê hương, băng qua Biển Hẹp và xâm chiếm Westeros. Người Valyria dễ dàng chiến thắng số ít người Andal còn ở lại và thiết lập các hệ thống thuộc địa mới.

Nhiều người tin rằng người Valyria đã từng đi tới cả Oldtown trước cả khi Tiền Nhân tới Westeros và giao thương với các chủng tộc cổ xưa. Tư tế Barth còn cho rằng người Valyria tới Westeros vì các thầy tu của họ đã tiên đoán rằng tận thế sẽ đến từ vùng đất bên kia Biển Hẹp. Archmaester Perestan cho rằng một tai ương hay bất hạnh nào đó đã giáng xuống và buộc họ phải rời bỏ Westeros và không quay lại.

Cuộc chiến Rhoynish[]

Cuộc chiến Rhoynish là một loạt các cuộc chiến diễn ra giữa các thành bang của người Rhoynar và các thuộc địa của đế quốc Valyria, diễn ra từ khoảng năm 950 BC đến năm 700 BC. Các cuộc chiến này được ghi lại trong cuốn "Lịch sử của Cuộc chiến Rhoynish", viết bởi Beldecar.

Cuộc chiến dai dẳng này chấm dứt bằng Cuộc chiến Hương liệu lần hai. Thân vương Garin của Chroyane đã dẫn một đội quân gồm 25 vạn người và đánh bại các đội quân Valyria đồn trú ở Selhorys, Valysar và Volon Therys - nơi họ thắng một trận lớn khi đánh tan đạo quân 10 vạn người và giết được 2 con rồng.

Tuy nhiên, đế quốc Valyria nhanh chóng đáp trả khi huy động tới 300 con rồng. Đội quân của người Rhoynar thảm bại, phần lớn bị thiêu cháy, và Thân vương Garin bị bắt sống. Nữ thân vương Nymeria của Ny Sar đã dẫn những người Rhoynar còn lại rời bỏ Essos và di cư đến Dorne. Các ca sĩ hát rằng mười nghìn con tàu của cô chứa đầy phụ nữ và trẻ em, vì hầu hết đàn ông trưởng thành đã chết trong các trận chiến với Đế quốc Valyria.

Đỉnh cao quyền lực[]

Vào lúc đỉnh cao quyền lực, Đế quốc trải dài phần lớn lục địa Essos ở phía tây Dãy núi Xương. Các đại lộ lớn kết nối các thành phố trong đế quốc với nhau.

Các Thành phố Tự Do - những thành bang tự trị của Valyria thì trải rộng khắp miền đất phía tây Essos. Volantis và Tyrosh ban đầu chỉ là các tiền dồn quân sự, trong khi Myr và Pentos được xây dựng bởi các thương nhân tại lãnh thổ cũ của người Andal. Các Chúa rồng thiết lập Lys làm nơi an dưỡng và nghỉ ngơi. Những người tị nạn tôn giáo đã sáng lập các thành phố Lorath, Norvos và Qohor. Essaria thì được lập nên với vai trò như một thuộc địa ở gần vương quốc Sarnor. Braavos thì được thành lập bởi các nô lệ nổi dậy chống lại hạm đội Valyria, và thành phố này không tuân theo luật lệ của đế quốc.

Các thành phố, thị trấn khác thì hoặc được lập nên hoặc bị Valyria chinh phục thì do các archon từ Valyria cai trị. Ở bán đảo Valyria có Oros và Tyria. Gần Volantis có Selhorys, Volon Therys và Valysar. Ở phía nam Dãy núi Sơn thì có Bhorash, Mantarys và Tolos. Ở Vịnh Nô Lệ có Velos trên Đảo Tuyết Tùng và Elyria.

Các thành phố là tàn dư của Đế chế Ghis thì có Astapor, Meereen và Yunkai. Một số khu định cư khác của người Ghiscari là Ghozai ở Đảo Tuyết Tùng, Ghardaq và hiện giờ có Vaes Efe và Vaes Mejhah. Không rõ Ghis Mới nằm ở phía nam của Ghis Cổ có trung thành với Valyria hay không.

Ở phía nam Biển Mùa Hè, đế quốc Valyria kiểm soát Gogossos trên Đảo Nước Mắt và từng thất bại 3 lần trong việc thiết lập thuộc địa ở Mũi Basilisk tại Sothoryos.

Còn những thành phố khác nhưng không rõ vị trí chính xác là Aquos Dhaen, Mhysa Faer và Rhyos. Những thành phố được xây dựng từ các tàn tích của các thành bang Rhoynar gồm có Ar Noy, Chroyane, Ghoyan Drohe, Ny Sar, Sar Mell và Sarhoy.

Dragonstone[]

Khoảng hai thế kỷ trước Ngày Tàn, đế quốc Valyria đã thiết lập thuộc địa trên hòn đảo Dragonstone tại Biển Hẹp và lập một tiền đồn ở đây. Các lãnh chúa bản địa ở Vịnh Xoáy Nước Đen có kháng cự, nhưng vô ích. Hòn đảo này chính là tiền đồn nằm ở cực tây của Đế quốc Valyria.

Vào năm 114 BC, Daenys Targaryen, con gái của Aenar Targaryen đã mộng thấy sự hủy diệt của Valyria. Do đó, gia tộc Targaryen đã rời bỏ lãnh thổ trong đế quốc của mình mà di cư tới Dragonstone - một hành động bị các Chúa rồng khác xem là hèn nhát. Ở gần Dragonstone có các đảo Driftmark của gia tộc Velaryon và đảo Claw của gia tộc Celtigar. Hai gia tộc này cũng mang dòng máu Valyria, nhưng thấp kém hơn các Chúa rồng.

Ngày Tàn Của Valyria[]

Ngày Tàn Của Valyria là một thảm họa tự nhiên xảy ra vào năm 102 BC, kéo theo việc thành phố Valyria bị hủy diệt hoàn toàn. Đế quốc Valyria cũng theo đó mà sụp đổ. Thảm họa này đã khiến toàn bộ vùng bán đảo Valyria bị ảnh hưởng và tách thành các đảo nhỏ hơn, tạo nên Biển Ngút Khói. Vùng đất này hiện được xem là bị quỷ ám, và gần như không ai dám bén mảng tới đây, vì mọi chuyến thám hiểm tới bán đảo đều thất bại. Cũng vì thế mới có câu nói "Ngày Tàn vẫn hiển hiện ở Valyria".

Với sự sụp đổ của chính quyền trung ương Valyria, các vùng đất còn lại của đế quốc rơi vào hỗn loạn và xung đột. Quãng thời gian này kéo dài ngót 100 năm và được gọi là "Thế kỷ đẫm máu", và nó cũng chứng kiến sự trỗi dậy của các Thành phố Tự Do. Essaria, "Thành phố Tự Do đã mất", thì bị người Dothraki biến thành tàn tích, trong khi đó Gogossos, "Thành phố Tự Do thứ mười", thì bị bỏ hoang sau khi dịch bệnh Cái Chết Đỏ càn quét nơi đây.

Di sản[]

Kinh đô Valyria của Đế quốc Valyria từng được xem là thành phố vĩ đại nhất thế giới, là trung tâm của nền văn minh. Phần lớn văn hóa của Valyria cũng như ngôn ngữ và nghệ thuật chế tác đều đã biến mất sau Ngày Tàn. Hậu duệ của người Valyria thì phân tán khăp thế giới, hầu hết ở các Thành phố Tự Do và các thành phố ở Vịnh Nô Lệ. Những người Valyria sống sót sau thảm họa thì kết hôn hỗn huyết với các dân tộc khác. Hậu duệ của họ nói nhiều loại biến thể khác nhau của tiếng Valyria.

Điều mà nhiều người nhớ tới Valyria nhất chính là khả năng nuôi dạy và chỉ huy cho rồng để biến chúng thành vũ khí. Gia tộc Chúa rồng cuối cùng - nhà Targaryen - đã sử dụng các con rồng để chinh phạt Bảy Vương Quốc. Valyria cũng còn nổi tiếng với các thanh kiếm thép Valyria - những vũ khí chất lượng đáng kinh ngạc được rèn bằng phép thuật. Bí mật của nghệ thuật rèn đúc nên các thanh kiếm này thì đã mất từ lâu, do đó các thanh kiếm còn lại trên thế giới đều cực kỳ hiếm và quý giá.

Con người và văn hóa[]

Người Valyria nổi tiếng với vẻ ngoài đặc biệt khi có mái tóc màu bạc ánh vàng và mắt màu tím - những đặc điểm rất đặc trưng, không thấy ở dân tộc nào khác. Màu tóc của họ có thể là bạc ánh vàng hoặc vàng nhạt. Màu mắt của họ có thể màu tử đinh hương, tím đậm hoặc xanh nhạt. Những quý tộc thuần huyết nhất ở Valyria có vẻ đẹp cực kỳ nổi bật, nhiều người còn cho là vượt xa người thường.

Quý tộc Valyria cực kỳ xem trọng sự thuần huyết. Do đó, một phong tục đặc trưng của họ là kết hôn cận huyết để duy trì sự thuần huyết. Kể cả sau khi Đế quốc sụp đổ, người nhà Targaryen ở Dragonstone vẫn tiếp tục duy trì phong tục này.

Ngôn ngữ của người Valyria là tiếng Thượng Valyria.

Tôn giáo[]

Người Valyria thờ nhiều vị thần, một vài trong số đó là Balerion, Meraxes, Vhagar hay Syrax.

Theo các học giả, các Chúa rồng coi tất cả các đức tin đều sai lầm cả, và xem thường các giáo sĩ và điện thờ. Với họ, đó chỉ là những tàn tích của một thời kỳ mông muội, nhưng hữu ích khi có thể xoa dịu các tầng lớp thấp kém với lời hứa về cuộc sống tốt đẹp hơn sau khi chết. Do đó, họ cho phép nhiều tôn giáo được cùng tồn tại để khiến dân chúng bị phân chia, tránh việc tất cả cùng được thống nhất dưới ngọn cờ và đức tin của một vị thần duy nhất.

Phép thuật[]

Người Valyria rất mạnh về phép thuật, và họ thường có những pháp sư cũng như các con rồng bên cạnh các đội quân hùng mạnh để chinh phạt Essos. Họ điều khiển rồng bằng roi, tù và phép thuật và bùa chú.

Chính trị[]

Ở thời kỳ đỉnh cao, Valyria không phải một vương quốc hay đế chế, hay đúng hơn là không có vua hay hoàng đế. Thay vào đó, tất cả các lãnh chúa, hoặc người tự do có đất đai, đều có tiếng nói trong việc xây dựng chính quyền và thể chế.

Tuy nhiên thì trên thực tế, Valyria được cai trị bởi các lãnh chúa quyền lực. Họ là 40 gia tộc giàu có, hùng mạnh, xuất thân cao quý và có khả năng phép thuật mạnh mẽ cũng như sở hữu các con rồng. Nhà Targaryen là một trong số 40 gia tộc đó.

Nghệ thuật chế tác[]

Người Valyria có kỹ năng rất cao trong việc điêu khắc đá. Người ta thường nói rằng các pháp sư Valyria không đục đẽo hay cắt đá, mà sử dụng lửa và phép thuật, nhưng phần lớn những kiến thức này đã biến mất. Người Valyria có những bùa phép rất mạnh, cho phép họ nung chảy đá và tạo hình nó tùy ý. Các đại lộ Valyria, còn được gọi là các đại lộ rồng, vẫn còn tồn tại và được sử dụng đến ngày nay. Một số công trình nổi tiếng khác có thể kể đến là lâu đài Dragonstone, Hắc Tường Thành và Cầu Dài ở Volantis.

Chế độ nô lệ[]

Một trong những điều mà người Valyria học tập từ cuộc chiến của họ với Đế chế Ghis Cổ chính là chế độ nô lệ. Người Valyria sử dụng hàng ngàn nô lệ trên khắp lục địa để khai thác vàng bạc, đá quý trong lòng Mười Bốn Ngọn Lửa. Các vụ nô lệ nổi loạn thường xuyên xảy ra trong các hầm mỏ, nhưng đều thất bại do người Valyria quá mạnh. Chiến tranh đem lại vô số nô lệ để người Valyria sử dụng trong thời bình. Và khi Đế quốc ngày càng lớn mạnh, nhu cầu về các loại tài nguyên thiên nhiên, khoáng vật càng lớn theo, do đó các Chúa rồng đã phát động vô số cuộc chiến để bắt nô lệ. Không một ai có thể biết hay thống kê được số nô lệ đã chết trong các hầm mỏ của người Valyria, vì con số ấy quá khổng lồ.

Các câu nói[]

"Valyria là tàn tro cuối cùng, và Valyria đã biến mất" - Luwin, nói với Bran Stark.


"Khi người Valyria còn ngủ với cừu, thì Ghis Cổ đã là một đế chế vĩ đại. Và chúng ta đây chính là hậu duệ của harpy" - Kraznys mo Nakloz, nói với Missandei.


"Mọi bùa phép của Valyria đều bắt nguồn từ máu hoặc lửa. Các pháp sư của Đế quốc có thể nhìn qua các ngọn núi, biển cả và sa mạc bằng những ngọn nến này. Họ có thể bước vào giấc mơ của người khác, cho người đó thấy các thị kiến, và giao tiếp với một người cách xa nửa thế giới, chỉ với những ngọn nến trước mặt" - Marwyn, nói với Samwell Tarly.


"Thành phố vĩ đại nhất thế giới biến mất trong chớp mắt, đế chế hùng mạnh ấy thì sụp đổ chỉ trong một ngày, và Vùng đất của Đại Mùa Hè thì bị thiêu rụi và phá hủy, rơi vào tàn lụi. Một đế chế dựng nên từ máu và lửa. Gieo nhân nào gặt quả nấy, người Valyria đã học được điều đó" - suy nghĩ của Tyrion Lannister.

Advertisement